Du lịch bền vững ngày càng trở thành ưu tiên toàn cầu, nhằm phát triển ngành du lịch một cách có trách nhiệm, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương. Quan hệ đối tác công tư (PPP) được xem là chiến lược hiệu quả để đạt mục tiêu này, kết hợp nguồn lực, kiến thức và năng lực của khu vực công và tư nhân, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Hiểu đơn giản, PPP là sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp tư nhân để tài trợ, xây dựng và quản lý các dự án cơ sở hạ tầng hoặc dịch vụ công. Trong du lịch, PPP có thể bao gồm xây dựng cơ sở du lịch bền vững, trao quyền cho cộng đồng, bảo tồn di sản, và ứng dụng công nghệ xanh để phát triển các điểm đến mới. Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, cùng với châu Âu và châu Phi, là những khu vực nổi bật về PPP trong du lịch trong hai thập kỷ qua.

Các lợi ích và thách thức của PPP trong du lịch
PPP mang lại nhiều lợi ích quan trọng. Thứ nhất, nó tăng cường đầu tư bằng cách huy động vốn tư nhân, giảm áp lực lên ngân sách công. Thứ hai, khu vực tư nhân mang đến công nghệ và chuyên môn, cải thiện quản lý điểm đến và nâng cao hiệu quả hoạt động. Thứ ba, PPP thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, bảo tồn môi trường và tăng sự tham gia của cộng đồng. Các yếu tố tích cực bao gồm giá trị đồng tiền tốt hơn, quản lý rủi ro hiệu quả, giải pháp sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ, và tối ưu hóa nguồn lực.
Tuy nhiên, PPP cũng đối mặt với thách thức. Xung đột lợi ích giữa khu vực công (ưu tiên bảo vệ môi trường) và tư nhân (tập trung lợi nhuận) có thể xảy ra. Nếu không được kiểm soát, việc phân phối lợi ích không công bằng có thể khiến cộng đồng địa phương bị thiệt thòi. Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch thiếu bền vững có thể gây hại đến môi trường. Do đó, cần chính sách minh bạch, trách nhiệm giải trình rõ ràng, và sự tham gia của cộng đồng để PPP phát huy hiệu quả.
Các công cụ và hình thức hợp tác PPP phổ biến trong du lịch
- Hợp đồng quản lý và vận hành (Management and Operation Contracts): Là hình thức chính phủ giao cho tư nhân quản lý và vận hành cơ sở du lịch (như công viên quốc gia, điểm tham quan) mà không chuyển giao quyền sở hữu. Machu Picchu (Peru) là trường hợp điển hình, nơi công ty tư nhân vận hành dưới sự giám sát của nhà nước.
- Hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) : Là hình thức tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (khách sạn, sân bay), vận hành để thu hồi vốn, sau đó chuyển giao cho chính phủ. Thái Lan áp dụng BOT cho sân bay Suvarnabhumi hay Việt Nam sử dụng BOT trong các khu nghỉ dưỡng ven biển là những ví dụ về hình thức này, hỗ trợ du lịch mà không gây áp lực ngân sách
- Tư nhân hóa dịch vụ (Privatization of Services): Là hình thức chính phủ thuê ngoài các dịch vụ du lịch (vận tải, hướng dẫn viên) cho tư nhân. Đây là cách phổ biến trong PPP để tăng tính linh hoạt và giảm chi phí công. Ví dụ tại Thuỵ Sĩ, chính phủ cung cấp chính sách và hỗ trợ tài chính, trong khi khu vực tư nhân (công ty Switzerland-Mobility, với sự tham gia của Rent a Bike) đảm nhận việc cung cấp xe đạp, bảo trì tuyến đường, và phát triển ứng dụng đặt dịch vụ. Điều này giúp du khách dễ dàng khám phá Thụy Sĩ mà không cần xe hơi, đồng thời thúc đẩy du lịch bền vững.
- Hợp đồng nhượng quyền (Concession Agreements) : Là hình thức tư nhân khai thác điểm đến hoặc dịch vụ trong thời gian dài (20-30 năm), trả phí hoặc chia sẻ lợi nhuận với chính phủ. Vườn Quốc gia Iguacu (thác nước Iguacu) của Brazil có thể coi là ví dụ điển hình cho hình thức nhượng quyền này. công ty Cataratas do Iguacu S.A hoạt động dưới hợp đồng nhượng quyền, họ đầu tư vào cơ sở vật chất thân thiện môi trường và bảo tồn rừng, một phần lợi nhuận hỗ trợ cộng đồng bản địa.
- Liên doanh (Joint Ventures) : Là thình thức chính phủ và tư nhân cùng góp vốn, chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong dự án du lịch. Rất nhiều các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sử dụng hình thức này để phát triển sản phẩm du lịch mới của Indonesia hay kết hợp nguồn lực công – tư để xây dựng Marina Bay Sands, một khu du lịch lớn của Singapore.
- Đầu tư xanh và bền vững (Green Investment Partnerships): Là hình thức tư nhân đầu tư vào dự án du lịch thân thiện môi trường (năng lượng tái tạo, bảo tồn tài nguyên) với hỗ trợ chính sách từ chính phủ. Đây cũng là hình thức mới theo xu hướng toàn cầu, phù hợp với du lịch bền vững. Có thể sử dụng Costa Rica làm ví dụ điển hình cho hình thức PPP này: khu bảo tồn Rincón de la Vieja hợp tác giữa chính phủ và công ty tư nhân để phát triển du lịch sinh thái. Tư nhân lắp đặt hệ thống địa nhiệt và tái trồng rừng, vừa thu hút du khách vừa bảo vệ đa dạng sinh học
Thụy Sĩ – quốc gia tiêu biểu về quan hệ đối tác công tư (PPP) trong phát triển du lịch bền vững:
Nổi bật với việc áp dụng các mô hình PPP tập trung vào hiệu quả, chất lượng cao và tính bền vững, dù ít dự án quy mô lớn do hệ thống liên bang phân quyền. Thành công của PPP tại Thụy Sĩ dựa trên ba yếu tố cốt lõi: (i) sự tham gia tích cực của các bên liên quan, (ii) tính minh bạch và chặt chẽ trong quản lý, (iii) sử dụng công nghệ và các công cụ để quản lý và đánh giá hiệu quả . Chính phủ thiết lập khung pháp lý chặt chẽ và hỗ trợ chính sách, khu vực tư nhân đầu tư tài chính cùng chuyên môn vận hành, trong khi cộng đồng địa phương đảm bảo tính bền vững xã hội và môi trường, giúp giảm tham nhũng và phân phối lợi ích công bằng.
Các hình thức hợp tác giữa Switzerland Tourism hợp tác với SWISS Air và Swiss Travel System để quảng bá du lịch qua vé Swiss Pass và gói trọn gói (hợp đồng quản lý và vận hành) hay khu trượt tuyết Zermatt do Zermatt Bergbahnen AG khai thác dưới hợp đồng nhượng quyền, duy trì hạ tầng hiệu quả; Montagne Alternative tại Valais, một liên doanh công-tư phát triển du lịch tái sinh thân thiện môi trường; Swiss Youth Hostels sử dụng năng lượng tái tạo cùng vật liệu bền vững nhờ đầu tư xanh từ quỹ công và tư nhân, hướng tới du lịch không carbon là những minh hoạ tiêu biểu về PPP trong phát triển du lịch bền vững tại Thuỵ Sĩ
Hiện nay, Thụy Sĩ đang đồng hành cùng ngành Du lịch Việt Nam qua dự án Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững – ST4SD, khẳng định vai trò dẫn đầu trong du lịch bền vững toàn cầu. Dự án hợp tác với VNAT và các sở Du lịch để lồng ghép yếu tố bền vững vào chính sách, tăng cường các hình thức/mô hình đối thoại công tư (PPD) hiệu quả, đồng thời hỗ trợ xây dựng phát triển bộ tiêu chuẩn du lịch bền vững (VTDI) cho riêng Việt Nam, phù hợp với quốc tế để Thúc đẩy chính sách du lịch bền vững, một trong những mục tiêu quan trọng của dự án bên cạnh Nâng cao năng lực đào tạo cho ngành Du lịch cả nước và Quản lý điểm đến bền vững tại các tỉnh Hà Giang, Quảng Nam và Đồng Tháp.
Kết luận
PPP là công cụ quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, cân bằng tăng trưởng kinh tế và bảo tồn tài nguyên. Các mô hình từ Thụy Sĩ, Indonesia, hay Costa Rica cho thấy PPP hiệu quả khi có sự tham gia tích cực, minh bạch và năng lực tốt. Tuy nhiên, cần giải quyết xung đột lợi ích và tác động môi trường qua chính sách rõ ràng và giám sát chặt chẽ. Với chiến lược hợp lý, PPP không chỉ thúc đẩy du lịch mà còn tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao dịch vụ, và mang lại lợi ích hài hòa cho tất cả các bên.